0

Các rối loạn tâm thần thực tổn thường gặp (phần 2) | Safe and Sound

Rối loạn tâm thần thực tổn là dạng rối loạn tâm thần liên quan trực tiếp tới các tổn thương ở não. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như lão hóa, do các bệnh nhiễm độc, nhiễm trùng,... Biểu hiện tuỳ vào mức độ, vị trí của sự tổn thương thực thể các tế bào thần kinh ở não, tổn thương cục bộ hay lan toả. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

2.2. Rối loạn tâm thần thực tổn muộn (hoặc kéo dài)

c, Hội chứng hưng cảm

Người bệnh vui vẻ, tăng hưng phấn vận động, kèm theo trạng thái kích thích suy nhược. Trong một số trường hợp, khi hưng cảm phát triển với đỉnh cao có thể chuyển sang hưng cảm lú lẫn. 

d, Hội chứng tâm thần thực thể

Hội chứng này được hình thành ở giai đoạn cuối của rối loạn tâm thần thực tổn, sự xuất hiện từ từ và ngày một nặng. Đây là trạng thái cuối cùng, có tên gọi khác là hội chứng não tổn thương vĩnh viễn - biểu hiện sự suy yếu chung về mặt tâm thần: trí nhớ rối loạn, hoạt động tư duy và nhận thức suy yếu, cảm xúc không ổn định.

Ảnh 1: Hội chứng tâm thần thực thể hình thành ở giai đoạn cuối của rối loạn tâm thần thực tổn

  • Trí nhớ: khả năng ghi nhớ và chú ý giảm sút, đãng trí, hồi ức kém các sự kiện quá khứ gần, các hiểu biết cũ bị mất dần.
  • Nhận thức suy yếu: Người bệnh rối loạn các năng lực định hướng, tư duy nghèo nàn, khó lĩnh hội, giảm khả năng phán đoán và suy luận, liên tưởng chậm.
  • Cảm xúc không ổn định và dễ thay đổi, nôn nóng, giận dữ, mất hứng thú với những công việc trước đây, ăn mặc trở nên cẩu thả, không chú ý đến vệ sinh thân thể. Cuối cùng, khi hội chứng tâm thần thực tổn nặng hơn, người bệnh biến đổi nhân cách trầm trọng và trở nên sa sút tâm thần. 

3. Chẩn đoán rối loạn tâm thần thực tổn

3.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

  • Bằng chứng có tổn thương não, bệnh lý não hoặc cơ thể liên quan đến quá trình phát sinh các triệu chứng, hội chứng loạn thần.
  • Tìm thấy mối liên quan về thời gian (vài tuần hoặc vài tháng) giữa sự phát triển của bệnh thực tổn nằm bên dưới với sự khởi phát và tiến triển của các triệu chứng rối loạn tâm thần.

 

Ảnh 2: Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn tâm thần thực tổn do bệnh lý tại não và ngoài não

  • Sự hồi phục của rối loạn tâm thần liên quan chặt chẽ với sự mất đi hoặc thuyên giảm của nguyên nhân thực tổn.
  • Không có một bằng chứng gợi ý về nguyên nhân xen kẽ của hội chứng tâm thần (như tiền sử gia đình nặng nề về bệnh tâm thần phân liệt hoặc bệnh lý do stress thúc đẩy).

3.2. Các hình thái lâm sàng

Có 9 hình thái rối loạn tâm thần thực tổn, gồm:

  • Ảo giác thực tổn: nổi bật trong lâm sàng là các ảo giác (thường là ảo thanh, ảo thị) dai dẳng hoặc tái diễn; xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể.
  • Căng trương lực thực tổn: nổi bật là trạng thái giảm (sững sờ) hoặc tăng (kích động) hoạt động tâm thần vận động kết hợp với không nói một phần hoặc hoàn toàn; có thể có trạng thái định hình hoặc hành vi xung động; xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể.
  • Rối loạn hoang tưởng thực tổn: nổi bật là các hoang tưởng dai dẳng hoặc tái diễn chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng, xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể.
  • Rối loạn khí sắc thực tổn: nổi bật là rối loạn cảm xúc (trầm cảm, hưng cảm, lưỡng cực, hỗn hợp) phải xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể.

Ảnh 3: Trầm cảm là triệu chứng của rối loạn tâm thần thực tổn

  • Rối loạn lo âu thực tổn: nổi bật là rối loạn lo âu lan toả, rối loạn hoảng sợ là hậu quả của bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể.
  • Rối loạn phân ly (chuyển di) thực tổn: nổi bật là sự rối loạn chuyển di xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể. 
  • Suy nhược thực tổn: nổi bật là cảm xúc không kiềm chế hoặc cảm xúc không ổn định và dai dẳng, sự mệt mỏi cùng với một số cảm giác khó chịu của cơ thể, xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể. 
  • Rối loạn nhận thức nhẹ thực tổn: nổi bật là sự suy giảm hoạt động nhận thức, bao gồm: trí nhớ suy giảm, khó khăn trong học tập và tập trung chú ý, xuất hiện với sự liên quan đến bệnh thực tổn não, bệnh cơ thể. 
  • Rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, bao gồm:
  • Rối loạn nhân cách thực tổn: nổi bật, cảm xúc không ổn định, những cơn giận dữ, bùng nổ xâm phạm hoặc có khi vô cảm, khoái cảm không thích hợp, những cơn xung động (hoạt động bản năng tình dục, ăn uống, trộm cắp,...) không tính đến hậu quả, rối loạn nhận thức, tính chi ly, đại khái,...
  • Hội chứng sau viêm não: các triệu chứng không đặc hiệu, thay đổi tuỳ theo từng người, tuỳ thuộc vào tác nhân nhiễm khuẩn, độ tuổi ở thời điểm nhiễm khuẩn. Biểu hiện vô cảm và suy giảm nhận thức, mất khả năng tính toán, vong ngôn, vong hành, giảm năng lực phán đoán.
  • Hội chứng sau chấn động não: xảy ra sau chấn thương đầu, rối loạn ý thức, đau đầu, choáng váng, khó tập trung tư tưởng, khó hoạt động trí não, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo âu.
  • Rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn khác do viêm não, tổn thương hoặc rối loạn chức năng não: Bao gồm các rối loạn về nhận thức, cảm xúc, nhân cách và hành vi. 
: Các rối loạn tâm thần thực tổn thường gặp (phần 2) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound